Cúng đầy tháng bé gái là một nghi lễ tâm linh rất quan trọng với người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. Cúng đầy tháng là để khẳng định và thông báo với mọi người về sự có mặt của thành viên mới trong gia đình. Đây cũng là dịp để gia đình tạ ơn các bà mụ và đức ông đã công nặn ra hình hài và chăm sóc bé từ khi thành hình đến khi được khỏe mạnh ra đời. Đây là lễ cúng rất quan trọng và có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời mỗi người. Cúng đầy tháng nhằm cầu mong cho bé có được cuộc sống bình yên, vô lo nghĩ trong tương lai.
Cúng đầy tháng cho bé gái vào ngày nào?
Một số gia đình không thường dùng lịch âm sẽ chọn tổ chức cúng đầy tháng bé gái vào ngày dương lịch, đúng một tháng từ ngày bé ra đời. Những gia đình khác lại tổ chức cúng theo lịch âm truyền thống của ông bà ta, thì ngày đầy tháng của bé gái sẽ được lùi lại 2 ngày so với ngày bé sinh ra. Buổi lễ sẽ được tổ chức vào giờ hợp và tốt với ngày tháng sinh của bé (hay còn gọi là giờ hoàng đạo), nếu không chọn được, thì có thể tổ chức cúng vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối.
Tại sao lại cúng đầy tháng cho bé gái?
Khi bé tròn 1 tháng tuổi thì gia đình sẽ làm lễ tạ ơn 12 bà mụ, mỗi người đã nặn lên 1 bộ phận trên cơ thể của bé và cùng chăm sóc bé đến lúc trưởng thành.
Đầy tháng cần được tổ chức thật chu đáo vì liên quan đến cuộc đời bé sau này, nhất là đối với những người lần đầu cúng đầy tháng cho bé gái. Việc chuẩn bị, sắm sửa đồ dùng và lễ vật đầy đủ cũng là một công việc khó khăn và tốn khá nhiều thời gian.
Đồ lễ dâng lên trong mâm cúng đầy tháng cho bé gái gồm những gì?
Lễ vật cúng đầy tháng bé gái hay bé trai, hay giữa các vùng miền cũng không có quá nhiều điểm khác nhau.
- Gà luộc chéo cánh, đầu ngẩng lên trời, gỏi và cháo ăn kèm
- 1 tô chè lớn và 12 chén chè nhỏ ( cúng mụ cho bé gái nên cúng chè trôi nước)
- 1 đĩa xôi lớn và 12 đĩa xôi nhỏ (xôi 3 tầng, có thể là xôi gấc, xôi vò, xôi đỗ xanh)
- 2 kg thịt quay chia thành 12 đĩa và 12 đĩa bánh hỏi
- 1 bộ tam sên (thịt heo luộc, cua luộc và trứng vịt luộc)
- 1 đĩa trái cây ngũ quả (5 loại quả khác nhau)
- 12 ly rượu nhỏ
- Trầu têm cánh phượng
- Cau
- Đèn cầy
- Nhang
- Bình hoa tươi (hoa đồng tiền hoặc cát tường)
- Rượu, trà
- Ly pha rượu
- Lư nhang
- 12 nén vàng
- Bộ giấy cúng mụ
- Bộ nữ đồ ghi họ tên và ngày tháng năm sinh của bé, bộ này để đốt giải hạn và cầu may cho bé.
Mâm cúng được sắp xếp theo nguyên tắc đông bình tây quả, đồ lễ phía Tây, bình hoa phía đông. Mâm cúng bà mụ đặt ở dưới, mâm cúng đức ông đặt ở trên. Hai mâm này đặt cách nhau 10cm. Mâm đồ lễ nên được trình bày và sắp xếp cân đối, gọn gàng, hài hòa để bày tỏ sự chân thành và lòng thành kính với các vị thần.
Nghi thức khai hoa và đặt tên cho bé
Sau khi thắp nhang khấn vái và hết 3 tuần nhang thì gia đình đốt giấy cúng và chuẩn bị cho lễ khai hoa tiếp theo. Bé gái sẽ được đặt trên bàn lớn, người đứng ra cúng sẽ thắp nhang để xin phép bắt miếng. Tiếp theo, người làm lễ sẽ ẵm bé trên tay và cầm một nhành hoa quơ qua quơ lại trước miệng bé với những lời chúc tốt đẹp nhất. Bé gái sẽ được vẽ chân mày bằng cuống trầu để làm phép cho bé sau này lớn lên xinh đẹp, dịu dàng.
Sau đó là đến lễ xin keo để đặt tên cho bé. Những tên gia đình đã chuẩn bị sẽ xin phép ông bà xem tên đó có tốt hay không tốt. Dùng 2 đồng bạc gieo vào một chiếc đĩa sâu, nếu một mặt úp, một mặt ngửa thì tên được chọn, nếu 2 mặt đều úp hoặc ngửa thì không được. 3 lần không được liên tiếp thì phải đổi tên cho bé.
Với những ý nghĩa quan trọng mà một lễ cúng đầy tháng chu đáo mang lại cho tương lai của các bé, hy vọng với những hướng dẫn trên đây đã giúp các cha mẹ có thể chuẩn bị lễ cúng đầy tháng bé gái đầy đủ nhất. Đầy tháng là cột mốc đầu tiên trong cuộc đời mỗi con người, do đó, cha mẹ nên dành nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị và sắp xếp. Chúc gia đình bạn tổ chức một lễ cúng đầy tháng bé gái thật tốt đẹp.