Lễ cúng đầy tháng cho bé được xem là một trong những nghi lễ truyền thống và có một vị trí tương đối quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Nghi lễ này vừa là một nét đẹp văn hóa truyền thống vừa góp phần đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi người từ khi mới lọt lòng.
Cách tính thời gian tổ chức lễ cúng đầy tháng cho bé
Lễ cúng đầy tháng cho bé như đã nói là một trong những nghi lễ quan trọng, thời gian tổ chức nghi lễ này như thế nào cũng là một trong những thắc mắc của rất nhiều các ông bố, bà mẹ.
Theo cách tính của ông bà ta từ bao đời nay, lễ cúng đầy tháng cho bé nhầm tạ ơn các đấng siêu nhiên đã có công phù trợ, bảo hộ cho bé được phát triển khỏe mạnh. Cách tính nghi lễ này có sự khác biệt giữa bé trai và bé gái. Theo tục lệ, lễ cúng đầy tháng cho bé trai sẽ được tổ chức vào thời điểm là trước ngày bé tròn một tháng tuổi một ngày. Riêng đối với các nhà sinh được bé gái, lễ cúng đầy tháng cho bé sẽ được diễn ra vào trước hai ngày so với ngày bé tròn một tháng tuổi.
Có thể lấy ví dụ cụ thể cho cách tính này như sau: Nếu bé trai của gia đình bạn có ngày sinh là vào ngày 10 tháng 04, thì lễ đầy tháng cho bé trai này sẽ được tổ chức vào ngày 09 tháng 05. Còn trường hợp bé gái nhà bạn có ngày sinh là ngày 15 tháng 06 thì lễ cúng đầy tháng cho bé gái này sẽ rơi vào ngày 13 tháng 07. Như vậy, bạn có thể dựa vào cách tính này để tính được chính xác ngày tổ chức nghi lễ đầy tháng cho bé yêu nhà mình rồi.
Các lễ vật cần chuẩn bị
Lễ cúng mụ đầy tháng theo quan niệm của ông bà ta từ thuở xa xưa, bắt nguồn từ tín ngưỡng về 12 bà mụ. Theo đó, trong dân gian người ta tin tưởng về sự tồn tại của 12 bà mụ là các bà tiên đỡ đầu cho những đứa trẻ. Mỗi đứa bé từ giai đoạn vừa mới thụ thai đã nhận được sự bảo hộ của các bà mụ cho đến khi trưởng thành. Vì vậy lễ vậy cúng 12 bà mụ là vô cùng cần thiết nhằm ghi nhớ công ơn của các bà mụ đã phù hộ, giúp đỡ mẹ tròn con vuông.Bên cạnh đó, trong lễ cúng mụ đầy tháng còn cần chuẩn bị các lễ vật để cúng Tam Đức ông.
Cụ thể các lễ vật cần chuẩn bị trong lễ cúng đầy tháng cho bé như sau:
– Lễ vật cúng 12 bà mụ: Cần chuẩn bị đầy đủ 12 chén chè bằng nhau và một tô chè lớn, ở miền Nam thường người ta hay chuẩn bị chè đậu nước cốt dừa trong khi ở miền Bắc thì là chè hoa cau. Đi kèm với chè là 12 đĩa xôi nhỏ và 1 đĩa xôi lớn. Ngoài ra còn có các món mặn khác mà từng gia đình sẽ lựa chọn như thịt heo quay bánh hỏi, gà luộc,…
– Lễ vật cúng tam đức ông cũng tương tự như 12 bà mụ nhưng số lượng thay đổi thành 3 chén chè nhỏ 1 chè lớn, 3 đĩa xôi nhỏ 1 đĩa xôi lớn.
Bên cạnh đó, mỗi gia đình cũng cần chuẩn bị trái cây, bánh kẹo, gạo, muối, hương đèn, bình hoa tươi, giấy tiền vàng bạc…
Các nghi lễ trong lễ cúng đầy tháng
Các nghi lễ trong lễ cúng đầy tháng cho bé trai đơn giản cũng không quá phức tạp, 2 nghi lễ không thể thiếu trong buổi lễ này đó là:
– Nghi lễ cầu khấn: Nhằm gửi lời tạ ơn đến các bà mụ cũng như là các đấng siêu nhiên đã có công bảo hộ cho em bé được chào đời bình an, khỏe mạnh. Bên cạnh đó là lời cầu khấn mong được tiếp tục nhận những phước lành đến với bé và gia đình.
– Nghi lễ khai hoa: Là một trong những nghi lễ quan trọng, một người lớn đại diện được gia đình cử ra để thực hiện nghi lễ này sẽ cầm một cành hoa quơ qua quơ lại trước miệng bé trong khi gửi gắm những lời chúc tốt đẹp đến cho bé.
– Các bé gái trong buổi lễ này còn được vẽ chân mày bằng cuốn trầu với hy vọng chân mày của các bé sẽ luôn đẹp và ngay ngắn như đường vẽ này vậy.
Nghi lễ cúng đầy tháng cho bé luôn có ý nghĩa quan trọng bởi vì các bậc làm cha mẹ luôn mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, trọn vẹn nhất đến với con yêu của mình. Những nghi lễ được thực hiện trong buổi lễ cũng như là các lễ vật để cúng bái thần linh luôn cần được quan tâm và thực hiện đầy đủ, chỉnh chu nhất có thể để các bé có được một khởi đầu suôn sẻ theo quan niệm tâm linh trong dân gian.