Mâm cúng đầy tháng bé gái có khác gì so với mâm cúng bình thường? Các bậc cha mẹ đã biết rõ cúng đầy tháng cho con gái là như thế nào hay chưa? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Sau khi em bé chào đời được 30 ngày, gia đình thường sẽ tổ chức 1 buổi cúng đầy tháng. Nghi thức cúng đầy tháng em bé tuy đơn giản nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Cúng đầy tháng cho con trai hoặc con gái đều có những điểm khác nhau riêng biệt. Theo quen niệm dân gian, một mâm cúng đầy tháng bé gái có đủ đầy thì số phận sau này mới sung túc.
Ý nghĩa của việc cúng đầy tháng cho bé gái:
Nghi lễ đầu tiên trong cuộc đời của một người chính là cúng đầy tháng. Cúng đầy tháng hay còn gọi là cúng mụ, là dịp để gia đình tạ ơn 12 Bà Mụ đã giúp cho mẹ tròn con vuông, sinh nở thuận lợi. Không chỉ thế, cúng đầy tháng còn là dịp để gia đình báo cáo với ông bà tổ tiên về sự xuất hiện của thành viên mới.
Người xưa vẫn hay quan niệm, số phận của bé gái sau này có như thế nào, thuận lợi hay không, ít nhiều phụ thuộc vào sự chu đáo của mâm cúng đầy tháng. Một mâm cúng đầy tháng bé gái cần phải đảm bảo đầy đủ phần của 12 Bà Mụ và Đức Ông. 12 Bà Mụ là những vị thần tiên, giữ những nhiệm vụ nặn hình hài và chăm sóc khác nhau, chẳng hạn như:
- Bà mụ Lâm Cửu Nương, coi việc thụ thai
- Bà mụ Vạn Tứ Nương coi việc thai nghén
- Bà mụ Lâm Nhất Nương coi việc chăm sóc bào thai
- Bà mụ Lưu Thất Nương nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé.
- Bà mụ Lý Đại Nương coi việc chuyển dạ
- Bà mụ Trần Tứ Nương coi sóc việc sinh nở
- Bà mụ Nguyễn Tam Nương coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ.
- Bà mụ Hứa Đại Nương coi việc khai hoa nở nhụy
- Bà mụ Cao Tứ Nương coi việc ở cữ
- Bà mụ Tăng Ngũ Nương coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh
- Bà mụ Trúc Ngũ Nương coi việc giữ trẻ
- Bà mụ Mã Ngũ Nương coi việc ẵm bồng con trẻ
Cúng đầy tháng không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà đây còn được xem như cột mốc của cuộc đời mỗi người. Kết thúc giai đoạn sống trong “trứng nước”, tập làm quen với thế giới xung quanh được tròn 30 ngày. Bên cạnh đó, người mẹ cũng coi như trải qua 30 ngày ở cữ an toàn với con mình vì 1 tháng đầu sau khi sinh là giai đoạn quan trọng, cả mẹ và con đều còn rất yếu.
Chính vì những lý do đó, nếu cháu bé được cúng đầy tháng nghĩa là đã thoát được ⅔ những rủi ro trong năm tuổi đầu tiên của mình, xứng đáng được nhận lời chúc phúc từ mọi người.
Cúng đầy tháng cho bé gái như thế nào?
Chuẩn bị chu đáo cho một mâm cúng đầy tháng bé gái là việc hết sức quan trọng. Chú ý đến cách tính ngày, cách bày trí và sắp xếp các lễ vật, cách khấn vái sẽ giúp buổi lễ cúng đầy tháng diễn ra suôn sẻ.
Thời gian cúng đầy tháng cho bé gái:
“Gái lùi 2, trai lùi 1”, cứ theo như vậy, ngày cúng đầy tháng cho bé gái sẽ được tính như sau: vào ngày trước đầy tháng 2 ngày, sẽ được chọn làm ngày cúng đầy tháng cho bé gái (theo âm lịch). Giờ cúng đầy tháng thường là buổi sáng sớm hoặc chiều tối. Buổi sáng chính là lúc tràn trề năng lượng của con người và chiều tà là khi con người dừng lao động để chuẩn bị nghỉ ngơi.
Mâm cúng đầy tháng bé gái gồm những gì?
Các lễ vật trên mâm cúng đầy tháng bé gái có phần hơi khác biệt với khi cúng cho bé trai, đó là các đồ ăn mặn, cụ thể như sau:
- 12 chén xôi + 12 chén chè nhỏ (con gái thường cúng chè trôi nước, tuy nhiên, theo vùng miền Bắc – Trung – Nam có thể thay đổi loại xôi hoặc chè khác)
- 12 chén cháo nhỏ + 12 ly rượu nhỏ
- 12 đĩa nhỏ chia đều quà bánh trẻ con
- 2 kg thịt heo quay chia thành 12 dĩa nhỏ
- 12 dĩa bánh hỏi nhỏ (hoặc 12 trứng vịt luộc)
Đối với mâm cúng Đức ông, gia đình cần chuẩn bị những món sau:
- 1 tô chè lớn
- 1 tô cháo lớn
- 3 đĩa xôi lớn (có thể chọn xôi gấc hoặc xôi vò)
- 1 con gà luộc nguyên con, để tréo cánh
- 1 miếng thịt heo quay (để nguyên miếng)
- 1 dĩa hoa quả (tùy chọn theo đặc trưng vùng miền, hoặc có thể thêm trầu cau)
Cách sắp xếp lễ vật trên mâm cúng đầy tháng bé gái:
Chuẩn bị lễ vật không thôi là chưa đủ, cách sắp xếp bày trí một mâm cúng đầy tháng bé gái cũng là điều quan trọng không kém. Thông thường, lễ vật sẽ được chia ra 2 mâm để cách nhau 10 phân. 1 bàn nhỏ để phía trên kính Đức Ông, bàn to hơn để mâm kính 12 Bà Mụ.
Mâm cúng đầy tháng bé gái sẽ được xếp theo kiểu bình bông để ở phía Đông còn lễ vật, hoa quả để ở phía Tây. Đây chính là cách sắp xếp theo “Đông bình Tây quả”, đúng quan niệm phong thủy của ông bà xưa.
Cách khấn vái:
Khi cúng, thường sẽ là người lớn, có uy tín đại diện cho dòng họ khấn vái với tổ tiên ông bà. Các bài khấn gia đình có thể tham khảo theo sách báo, hoặc truyền miệng nhau, hoặc có thể nói vài câu đơn giản nhưng vẫn trang trọng.
Chuẩn bị một mâm cúng đầy tháng bé gái kỹ càng sẽ làm cho buổi cúng đầy tháng của con bạn trở nên ý nghĩa và đáng nhớ hơn. Còn gì tốt đẹp bằng 1 buổi lễ cúng đầy tháng, với sự xuất hiện của thành viên bé nhỏ, cùng dào dạt các lời chúc phúc tốt đẹp của họ hàng người thân. Một mâm cúng đầy tháng bé gái đầy đủ chính là yếu tố không thể thiếu, giúp cho buổi lễ thêm đầy đủ vẹn tròn.