Cúng đầy tháng 13 bà Mụ từ lâu đã được xem là nghi thức không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ. Lễ cúng được tổ chức nhiều lần trong năm đầu đời đó là khi trẻ sinh ra được 3 ngày, khi trẻ đầy tháng, 100 ngày và cuối cùng là lúc trẻ đầy năm (lễ thôi nôi). Cha mẹ cần đảm bảo tổ chức đầy đủ cho trẻ tất cả các buổi lễ theo đúng nghi thức để trẻ có thể nhận được mọi sự chúc phúc tốt lành nhất trong suốt cuộc đời.
Sự tích và ý nghĩa của lễ cúng đầy tháng 13 bà Mụ
Các bà Mụ được biết đến qua các truyền thuyết được lưu truyền và kể lại trong văn hóa dân gian. Đây được xem là những vị Tiên Nương có trách nhiệm bên cạnh phụ giúp Ngọc Hoàng trong công cuộc tạo nên con người. Các bà Mụ có trách nhiệm nắn tạo nên hình hài của đứa trẻ khi được lệnh đầu thai. Mỗi người sẽ nhận nhiệm vụ khác nhau trong quá trình hình thành, tạo nên cũng như chăm sóc cả người mẹ và đứa trẻ. Danh sách 13 bà Mụ được biết đến như sau:
- Bà Trần Tứ Nương trông coi việc sinh đẻ.
- Lâm Cửu Nương phụ trách việc thụ thai
- Lâm Nhất Nương sẽ chăm sóc thai nhi
- Mụ bà Vạn Tứ Nương coi việc thai nghén cho bà mẹ
- Lưu Thất Nương quyết định giới tính hình hài nam nữ cho em bé
- Lý Đại Nương chăm lo cho quá trình chuyển dạ của thai phụ
- Hứa Đại Nương chăm lo việc hộ sản
- Cao Tứ Nương có trách nhiệm chăm sóc bà đẻ trong khoảng thời gian ở cữ
- Tăng Ngũ Nương chăm trẻ sơ sinh mới lọt lòng
- Mã Ngũ Nương sẽ ẵm bồng chăm bẵm con trẻ
- Bà Trúc Ngũ Nương sẽ giữ trẻ
- Nguyễn Tam Nương lo nhiệm vụ giám sát và trông coi việc sinh đẻ
- Cuối cùng là Đỗ Ngọc Nương chuyên đỡ đẻ
Cách tính ngày cúng và giờ cúng cho con
Lễ cúng đầy tháng 13 bà Mụ được tổ chức với tâm ý muốn giới thiệu đứa trẻ mới ra đời cho gia đình và tổ tiên nhận mặt, công nhận sự tồn tại của bé và cầu xin cho các bà che chở độ trì cho bé nhận được những sự tốt đẹp nhất. Theo quan điểm của dân gian, ngày cúng đầy tháng 13 bà Mụ cho con được ấn định tổ chức theo Âm lịch và tùy theo giới tính của trẻ mà tiến hành. Nếu đứa bé là nam thì ngày cúng sẽ lùi lại 1 ngày so với ngày sinh còn bé gái thì lùi lại 2 ngày vì ông bà đã dặn “gái sụt 2, trai sụt 1”. Về giờ giấc cúng thì còn tùy thuộc vào quan điểm cũng như quyết định của mỗi gia đình sao cho thuận tiện, thường thì lễ cúng đầy tháng thường được tổ chức vào sáng sớm hoặc chiều tối.
Các lễ vật cần chuẩn bị trong lễ cúng đầy tháng 13 bà Mụ
Lễ cúng các bà Mụ thường phải chuẩn bị đầy đủ các lễ vật sau đây:
- 12 bát chè nhỏ và 1 bát chè lớn hơn ( loại chè tùy thuộc vào khẩu vị từng vùng miền địa phương ví dụ như miền Nam sẽ thường nấu chè đậu với nước dừa, miền Bắc cúng chè hoa cau hoặc ở miền Huế thì hay cúng chè đậu xanh,…)
- 12 đĩa xôi nhỏ và 1 đĩa xôi lớn hơn , loại xôi được dùng để nấu cúng cũng tùy thuộc vào đia phương và khu vực địa lý, người miền Trung thường thích nấu xôi đậu xanh trong khi đó người Nam hay cúng xôi gấc và người Bắc thì ưa chuộng xôi vò hơn cả.
- Chuẩn bị tiếp 12 bát cháo nhỏ và cũng có 1 bát cháo lớn hơn.
- 12 ly rượu nhỏ và 1 ly rượu lớn ta cũng có thể thay thế chúng bằng 12 quả trứng vịt.
- 12 ly nước nhỏ và 1 ly nước lớn hơn.
- 2 kg thịt heo quay chặt đều và xếp ra dĩa cúng
- Các loại bánh kẹo và các bộ đồ chơi có chất liệu bằng nhựa hoặc sành sứ cũng xếp thành 12 đĩa nhỏ và 1 đĩa lớn hơn, nhiều hơn.
- Lọ hoa nhiều loại rực rỡ sắc màu, nhang đèn, hương khói, trà và một đôi đũa hoa.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các lễ vật như trên, cha mẹ bắt đầu tiến hành sắp xếp chúng một cách hài hòa, cân đối ở vị trí chính giữa của hương án. Tiếp đến cha mẹ thực hiện lễ cúng và đọc văn khấn chuẩn, thắp nhang tỏ lòng thành kính biết ơn tới các bà Mụ và cầu xin cho cháu luôn luôn được bình an. Khi nhang tàn, đồ lễ có thể thụ lộc, phân phát đồ chơi và bánh kẹo cho trẻ em trong nhà hoặc hàng xóm để lấy khước.
Cúng 13 bà Mụ là nghi lễ truyền thống theo phong tục dân gian lâu đời vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày nay. Đây là nét đẹp văn hóa tâm linh cần được lưu giữ và thực hiện chu đáo mỗi khi gia đình đón chào thành viên mới.