Cúng Bà Mụ Đầy Cữ Là Gì Và Những Điều Trong Nghi Thức Cần Nhớ
Cúng bà mụ đầy cữ là dịp không thể bỏ qua theo phong tục dân gian truyền thống trong những gia đình có em bé vừa chào đời. Nghi lễ này không còn mới mẻ với những ba mẹ người Việt nữa và được xem như nghi thức trọng đại đối với một đứa trẻ. Cùng tìm hiểu xem chúng ta đã thực sự biết hết nghi thức quen thuộc này chưa nhé?
Cúng bà mụ đầy cữ là gì?
Đây là nghi thức dân gian truyền thống đối với các gia đình có em bé vừa sinh xong vài ngày. Theo quan niệm ông bà xưa thì đầy cữ của bé trai là 7 ngày còn của bé gái là 9 ngày sau khi sinh. Được biết, lễ cúng bà mụ đầy cữ là dịp để tạ ơn các bà mụ đã giúp mẹ tròn con vuông, nắn cho bé khỏe mạnh lúc sinh ra và mong muốn bà để ý chăm sóc cho bé cho đến khi lớn lên. Các gia đình mong rằng khi cúng vái đúng thì các bà Mụ sẽ giúp đứa bé biết nằm, lật, bò, biết đi, biết nói…
Bà Mụ là ai và những ý nghĩa đi kèm
Theo niềm tin của người đi trước thì đứa trẻ được sinh ra là do Bà Tiên chúa (tức bà chúa đầu thai) và 12 bộ Tiên Nương (12 bà Mụ) và mỗi bà sẽ nặn ra một bộ phận của đứa trẻ và đảm bảo cho những bộ phận đó phát triển mạnh khỏe. Một đứa trẻ chào đời không chỉ là niềm vui của bố mẹ mà còn là nỗi lo lắng về sức khỏe và tương lai của bé. Chính vì thế, lễ cúng bà Mụ đầy cữ là dịp để các gia đình bớt lo lắng và gửi đi những lời tạ ơn cũng như cầu mong cho con cái.
Các bà Mụ là 12 vị tiên nương được biết với những ý nghĩa khác nhau:
- Mụ bà Trần Tứ Nương là mụ bà coi việc sanh đẻ (còn gọi là chú sinh)
- Mụ bà Vạn Tứ Nương, coi việc thai nghén (còn gọi là chuyển sinh)
- Mụ bà Lâm Cửu Nương, coi việc thụ thai (còn gọi là thủ thai)
- Mụ bà Lưu Thất Nương, coi việc nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé xinh đẹp
- Mụ bà Lâm Nhất Nương, coi việc chăm sóc bào thai (còn gọi là an thai)
- Mụ bà Lý Đại Nương, coi việc chuyển dạ (còn gọi là chuyển sinh)
- Mụ bà Hứa Đại Nương, coi việc khai hoa nở nhụy (còn gọi là hộ sản)
- Mụ bà Cao Tứ Nương, coi việc ở cữ (còn gọi là dưỡng sanh)
- Mụ bà Tăng Ngũ Nương, coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh (còn gọi là bảo tống)
- Mụ bà Mã Ngũ Nương, coi việc ẵm bồng con trẻ (còn gọi là tống tử)
- Mụ bà Trúc Ngũ Nương, coi việc giữ trẻ (còn gọi là bảo tử)
- Mụ bà cuối cùng Nguyễn Tam Nương, coi việc chứng kiến và giám sát sinh đẻ
Bên cạnh đó theo quan niệm dân gian còn có 3 Đức ông là Thánh sư, Tổ sư và Tiên sư với nhiệm vụ truyền dạy nghề nghiệp cho đứa bé trong tương lai (không phải 13 đức thầy như một số người thường truyền tai nhau).
Cúng bà Mụ đầy cữ sẽ còn giúp các gia đình khắn khít hơn từ trên xuống dưới vì là dịp tụ họp của các bậc trưởng lão trong gia đình cầu chúc cho đứa trẻ. Những lời cầu mong thành tâm khấn nguyện đều mong muốn các bà Mụ nghe thấy và chở che cho đứa trẻ đến lúc trưởng thành. Đứa trẻ khi mới chào đời vẫn còn khá yếu và xa lạ với thế giới bên ngoài nên khi thấy bé mạnh khỏe bố mẹ rất mừng và cúng đầy cữ như một lời tạ ơn.
Nghi thức trong cúng bà mụ đầy cữ
Trong buổi cúng bà mụ đầy cữ thường sẽ không bao giờ thiếu đi những thứ quan trọng như: thức ăn, nhang đèn, vàng mã, hoa tươi… Các gia đình phải chuẩn bị chu tất và không được thiếu bất cứ món gì, nếu không sẽ không còn đúng lễ. Song song với đó, trong lễ cúng mụ còn có bài khấn vái và ở bàn thờ gia tiên sẽ khác với ở phòng bé nên bố mẹ phải thận trọng tránh sự nhầm lẫn.
Khi đang khấn vái thì người mẹ ẵm con mình ngồi vào một góc bên cạnh để chứng kiến xuyên suốt buổi lễ. Sau khi buổi lễ kết thúc thì bố hoặc mẹ chắp tay bé khấn vái 3 cái về phía bàn thờ gia tiên cũng như bàn cúng trong phòng bé. Mặt khác, gia đình nên phóng sanh những con vật còn sống như chim, ốc, cua… trong lễ cúng. Ngoài ra, thức ăn thì được đem phân phát cho mọi người cùng ăn lấy lộc, đồ chơi thì để lại cho bé để hưởng phúc đức từ bề trên ban cho.
Như vậy, cúng bà mụ đầy cữ sẽ diễn ra suôn sẻ nếu bố mẹ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng và thấu hiểu hết ý nghĩa của buổi khấn tạ ơn các bà mụ. Đây là một nghi thức truyền thống cần được giữ gìn như một nét văn hóa của người Việt từ đời này sang đời khác.