Cúng 12 bà mụ cũng như rất nhiều sinh hoạt văn hóa khác, là một trong nhiều nghi thức được người Việt thực hiện trong đời sống hàng ngày. Bài viết này sẽ góp phần vào việc tìm hiểu và bổ khuyết thêm những thông tin cơ bản về lễ cúng 12 bà mụ.
Truyền thuyết về 12 bà mụ
12 bà mụ là 12 vị thần tiên góp phần sáng tạo nên loài người chúng ta, có nhiệm vụ nắn lại cơ thể cho một người nào đó khi được lệnh đầu thai. Mỗi người ở cõi trần đều phải qua tay 12 nữ thần tạo dựng và chăm nom, từ khi còn trong bụng mẹ tới lúc lọt lòng. Mỗi vị thần sẽ có những vai trò đặc biệt khác nhau. Nhưng khuyết điểm thì cả 12 vị nữ thần này chịu chung. Theo truyền thuyết, 12 bà mụ là những vị thần sau:
- Trần Tứ Nương: chú sanh (sinh đẻ)
- Lâm Cửu Nương: thủ thai (thụ thai)
- Lâm Nhất Nương: an thai (chăm sóc thai)
- Hứa Đại Nương: hộ sản (giúp việc sinh)
- Tăng Ngũ Nương: bảo tổng (chăm trẻ sơ sinh)
- Lưu Thất Nương: tạo hình hài
- Lý Đại Nương: chuyển dạ (chuyển sinh)
- Vạn Tứ Nương: chú thai (thai nghén)
- Mã Ngũ Nương: tống tử (ẵm bồng)
- Cao Tứ Nương: dưỡng sinh (ở cữ)
- Nguyễn Tam Nương: giám sinh (giám sát sinh nở)
- Trúc Ngũ Nương: bảo tử (coi trẻ)
Tuy mỗi người một công việc khác nhau, song 12 bà mụ đều có chung một nhiệm vụ là đảm bảo sự ra đời của một sinh linh bé nhỏ. Đây là món quà to lớn mà ông trời ban tặng cho mỗi gia đình.
Vì sao phải cúng 12 bà mụ
Không phải tất cả trong chúng ta ai cũng biết đến truyền thuyết về 12 bà mụ, đặc biệt là người trẻ. Những câu chuyện kể dân gian thường nhân cách hóa các nhân vật truyền thuyết, trong đó nổi bật như Thánh Gióng, Thạch Sanh, câu chuyện thần Nữ oa vá trời và còn có cả truyền thuyết về 12 bà mụ. Đối với người dân Việt, đây là những nhân vật có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần và đời sống tâm linh. Truyền thuyết về 12 bà mụ tưởng chừng chỉ là những câu chuyện cổ tích hay sự hợp thức hóa cho các hình thức lễ nghi truyền thống nhưng phía sau đó là sự ẩn chứa nhiều tâm tư, tình cảm và niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp, bình an, hạnh phúc của nhân dân. Cúng 12 bà mụ trước là để báo cáo tiên tổ về thành viên mới, sau là cảm ơn sự chăm sóc của 12 bà mụ đối với em bé. Đồng thời, các bậc cha mẹ và thành viên trong gia đình còn thông qua lễ cúng gửi gắm sự hi vọng về con đường tốt đẹp đang chờ đón các bé.
Cách cúng 12 bà mụ thế nào
Cúng 12 bà mụ được thực hiện ở các mốc thời điểm đánh dấu em bé tròn 1 tháng tuổi (hay còn gọi là đầy tháng) và khi em bé đã đủ 12 tháng tuổi (thôi nôi). Nhưng dù là lễ cúng 12 bà mụ vào ngày đầy tháng hay đầy tuổi thì các lễ vật cũng phải được chuẩn bị rất tỉ mỉ. Mặc dù không cần quá cầu kì và điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh tài chính của từng gia đình nhưng cũng không nên qua loa, xuề xòa. Tùy theo mỗi địa phương mà lễ vật cúng tiến có sự khác nhau song về cơ bản thì những lễ vật như xôi, chè, gà luộc, hương, hoa, quả ngọt, chén bát, rượu trắng là những lễ vật không thể thiếu.
Ngày giờ cúng cũng được xem xét cẩn trọng để tránh thiếu sót với các bậc thần linh. Ngày cúng thường được tính theo ngày âm, gái lùi hai, trai lùi một. Giờ cúng phải là giờ tốt, hợp với tuổi của con trẻ. Việc xem xét giờ cúng luôn được các gia đình đề cao, hỏi những người có kinh nghiệm hoặc nhờ sự trợ giúp của những người làm công việc liên quan đến tâm linh. Người thực hiện lễ cúng là người chủ gia đình, đứng đầu dòng họ, hoặc người có uy tín. Họ sẽ đứng ra đại diện, thay mặt và gửi đến ông bà, tổ tiên cũng như các vị thần linh tấm lòng thành kính, sự mong mỏi và lời cầu chúc bình an tới con trẻ.
Rõ ràng, việc chuẩn bị để cúng 12 bà mụ luôn được coi trọng và tuân theo những nguyên tắc truyền thống của gia đình, địa phương sao cho phù hợp với phong tục, tập quán và truyền thống. Qua lễ cúng 12 bà mụ, các bậc cha mẹ và những người lớn tuổi có thể giúp con trẻ nhận ra truyền thống quê hương, trân quý tình cảm gia đình và phấn đấu hơn nữa trong cuộc sống. Đó là những vốn quý mà người Việt luôn mong muốn có thể duy trì và phát huy hơn nữa trong tương lai.