Cúng mụ 9 ngày là một tập tục đã có từ lâu trong văn hóa dân gian Việt Nam. Việc cúng mụ trở thành tập tục không thể thiếu đối với các gia đình có em bé đặc biệt là bé gái. Hãy cùng tìm hiểu xem cúng mụ 9 ngày cho bé như thế nào để cả nhà cùng vui và bé đầy phước lộc nhé.
Cúng mụ 9 ngày cho bé gái là gì
Theo phong tục của người xưa thì trẻ em khi được sinh ra là do có sự phù trợ của Bà chúa Bào thai và 12 bà Mụ nên họ tổ chức lễ cúng mụ để bày tỏ lòng biết ơn của gia đình. Cúng Mụ hay còn được gọi là cúng căn và thường tổ chức sau khi người mẹ sinh con thành công, mẹ tròn con vuông theo quan niệm của ông bà. Cúng mụ còn được biết đến với nghi lễ cúng 7 ngày đối với bé trai và 9 ngày đối với bé gái vì đây là hai con số tượng trưng cát lộc.
Bé gái khi được sinh ra cho đến thời điểm 9 ngày sau sẽ được gia đình làm lễ cúng mụ 9 ngày hay còn gọi là cúng mụ đầy cữ. Mỗi dịp cúng mụ sẽ có những sự khác biệt và ở bé trai hay bé gái cũng có sự thay đổi rõ rệt giữa lễ vật khi cúng và sự chuẩn bị. Chính vì quan niệm về sự tạo thành cũng như săn sóc bé là nhờ các bà mụ nên trong dịp lễ trọng đại này các bà mụ sẽ được dâng lên rất nhiều lễ vật. Cúng mụ 9 ngày cũng là đầy cữ của bé sau khi chào đời, nhờ các bà mụ giúp bé biết lăn, bò, ăn nói, đi đứng… Thông qua đó, bố mẹ và gia đình bé muốn gửi gắm sức khỏe, tinh thần và cả tương lai của bé trông cậy vào sự trông coi của các bà mụ đến lúc bé trưởng thành.
Cần chuẩn bị gì cho lễ cúng mụ 9 ngày của bé
Như đã nói trên, cúng mụ 9 ngày của bé gái sẽ có những nét khác với cúng mụ 7 ngày của bé trai và theo thông tục xưa nay của ông bà để lại. Các bậc cha mẹ sẽ thường noi theo gương của ông bà mình và những lời nhắc nhở của người đi trước để có thể tổ chức được cho bé một buổi cúng mụ thật tròn vẹn. Lễ cúng mụ sẽ được diễn ra ở hai nơi trong cùng ngày đó chính là bàn thờ gia tiên và trong phòng của bé. Bên cạnh đó, nếu gia đình có thêm những nơi thờ cúng khác thì có thể bày thêm mâm hoa quả hoặc thức ăn để cúng.
Lễ cúng mụ cho bé cần chuẩn bị những thứ như dưới đây:
- Thức ăn: xôi, cua, trứng, hoa quả là thứ nhất định phải có và nếu được thì bố mẹ có thể chuẩn bị thêm các món ăn khác.
- Nhang đèn, vàng mã: Hai thứ này cũng rất dễ chuẩn bị, cả nhà hoàn toàn có thể tìm mua tại các chợ gần nhà.
- Hoa tươi: Nên chuẩn bị những loại hoa như cúc, ly hay hồng…
- Trầu cau: Gia đình chỉ cần chuẩn bị một vài lá trầu và một hai trái cau là đã đầy đủ lễ vật.
Lưu ý cho các gia đình chuẩn bị lễ cúng mụ 9 ngày cho bé gái: Bố hoặc mẹ nên ôm bé ngồi bên cạnh khi dâng lễ và cúng để chứng kiến toàn bộ buổi lễ. Sau khi cúng xong thì chắp tay bé vái lạy ba cái trước bàn thờ và giả vờ đấm một ít xôi cho trẻ để lấy lộc. Ngoài ra, những vật lễ sống như cua, chim (nếu có) thì nên phóng sinh và thức ăn còn lại thì gia đình chia sẻ cùng nhau ăn để giữ lộc.
Thông thường lễ cúng mụ 9 ngày cho bé được chuẩn bị rất tươm tất vì đây là lần cúng đầy cữ đầu tiên sau khi bé được sinh ra. Sau lần này sẽ có thêm những lần cúng căn khác như đầy tháng, đầy năm (hay còn gọi là thôi nôi), 3 tuổi, 6 tuổi, 9 tuổi và 12 tuổi. Tùy vào từng gia đình mà có phong tục cúng khác nhau cũng như cách chọn thời điểm cúng cũng thay đổi. Thậm chí, có những gia đình xem phong thủy hoặc nhờ thầy bói xem thì sẽ có sự thay đổi ngày cho hòa hợp. Đây cũng là một tục lệ điển hình của văn hóa dân gian chính là xem phong thủy và bói toán để chọn được ngày lành tháng tốt hợp với cả nhà để có thể làm ăn phất lên.
Như vậy, cúng mụ 9 ngày cho bé gái là thời điểm quan trọng mà các gia đình cần chuẩn bị kĩ càng để tránh thiếu sót khi tổ chức. Ngoài ra, mọi người cũng nên lắng nghe thêm ý kiến của người lớn trong nhà như ông bà hay cha mẹ để có được lời khuyên tốt nhất cho buổi cúng căn. Chuẩn bị kĩ càng sẽ khiến buổi lễ cúng mụ thành công và nhiều phước lộc cho bé.