Cúng mụ cho bé gái 9 ngày ở Việt Nam cũng như một số quốc gia châu Á khác rất được xem trọng. Đây là buổi lễ được cử hành để cảm ơn các bà mụ đã có công nhào nặn và săn sóc cho trẻ luôn được khỏe mạnh, cứng cáp. Tùy từng dịp riêng biệt cũng như tùy vào giới tính từng bé thì nghi lễ cúng mụ sẽ có một chút khác biệt. Hôm nay thì ta hãy cùng tìm hiểu nghi thức lễ này là như thế nào nhé.
Ý nghĩa buổi lễ cúng mụ đầy cữ
Theo ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa thì nước ta cũng có truyền thống thờ Mẫu khá phổ biến ở nhiều vùng miền nói chung. Truyền thống thờ Mẫu quan niệm rằng các đứa trẻ được sinh ra nhờ bàn tay nhào nặn của chư vị Tiên Chúa đầu thai, tên gọi khác là Mẹ Sinh, mẹ Sanh hay thân thuộc nhất là mười hai bà mụ. Mỗi bà mụ có trách nhiệm nhào nặn ra một bộ phận trên người trẻ, trẻ có lớn lên khỏe mạnh hay ngoan ngoãn cũng là nhờ ơn các bà. Chính vì lẽ đó mà vào dịp trẻ thôi nôi hay đầy tháng thì cả gia đình của trẻ sẽ cùng nhau tổ chức một buổi lễ cúng mụ cảm tạ. Riêng lễ cúng mụ đầy cữ cũng là dịp để cả nhà mong các bà phù hộ cho bé mau cứng cáp, sớm biết bò, biết lật, biết đi…
Lễ cúng mụ cho các bé gái được tổ chức khi bé được 9 ngày tuổi. Lễ của bé trai được tổ chức khi các em tròn 7 ngày tuổi. Các lễ vật dùng cho buổi cúng đầy cữ chủ yếu là các món ăn quen thuộc của văn hóa lúa nước. Cách chuẩn bị lễ vật cho lễ 9 ngày của bé gái và lễ 7 ngày cho bé trai cũng có một vài nét khác biệt.
Lễ vật cúng mụ cho bé gái 9 ngày
- Xôi gấc 9 nắm (có thể thay thế bằng xôi vò hoặc xôi đậu xanh tùy từng vùng miền, nếu là bé trai thì gia đình chuẩn bị 7 nắm)
- Cua bể 9 con (có thể thay cua bể bằng cua thường, nếu là lễ bé trai thì chuẩn bị 7 con cua)
- 9 quả trứng gà luộc nhuộm đỏ (7 quả nếu là bé trai)
- Một ít hoa quả.
- Hoa tươi các loại
- Các loại giấy tiền vàng mã, một ít trầu cau, vv…
Các lễ vật này được bày biện trên mâm cỗ trước bàn thờ. Bày bình hoa ở hướng đông còn các món khác ở hướng tây. Lễ vật phải được xếp đẹp mắt và cân đối. Càng xếp cân đối thì các bé sẽ càng được nhiều điều may.
Lễ đọc văn khấn đầy cữ cho bé gái
Sau khi đã bày mâm lễ vật thì cả gia đình sẽ cử một người để đứng trước bàn thờ thắp hương và đọc bài văn khấn đầy cữ sau đây:
Văn khấn đầy cữ
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Kính lạy:
ĐỆ NHẤT THIÊN TỶ ĐẠI TIÊN CHỦ ĐỆ NHỊ THIÊN ĐẾ ĐẠI TIÊN CHỦ ĐỆ TAM TIÊN MỤ ĐẠI TIÊN CHỦ THẬP NHỊ BỘ TIÊN NƯƠNG TAM THẬP LỤC CUNG CHƯ VỊ TIÊN NƯƠNG
Hôm nay là ngày …… tháng …… năm ……. Vợ chồng con là ……. Sinh được con (trai, gái) đặt tên là …… Nay nhân ngày đầy cữ (hoặc đầy tháng, đầy năm ) thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật và các thứ cúng dâng bày lên trước án, trước bản tọa chư vị Tôn Thần kính cẩn tâu trình : Nhờ ơn Thập phương Chư PHẬT, Chư vị Thánh Hiền, Chủ Tiên Bà, các Đấng Thần Linh, Thổ Công Địa Mạch, Thổ Địa Chính Thần, Tiên Tổ nội ngoại cho con sinh ra cháu …… sinh ngày ……. được mẹ tròn con vuông.
Cúi xin: Chư Tiên Bà, Chư vị Tôn Thần giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì, vuốt ve che chở cho cháu được ăn ngon, ngủ kỹ, hay ăn chóng lớn, vô bệnh, vô tật, vô tai, vô ương, vô hạn, vô ách, phù hộ cho cháu bé được thân mệnh bình yên, cường tráng, kiếp kiếp được hưởng vinh hoa phú quý. Gia đình con được phúc thọ an khang, nhân lành nẩy nở, nghiệp dữ tiêu trừ, 4 mùa không hạn ách nghĩ lo. Con xin thành tâm đỉnh lễ. Cẩn cáo.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Sau khi đã đọc xong văn khấn đầy cữ rồi thì tiến hành vái lạy, sau 3 tuần hương thì lễ tạ rồi đem các giấy vàng mã đi đốt.
Hy vọng rằng những thông tin của lễ cúng mụ cho bé gái 9 ngày vừa rồi đã phần nào giải đáp được thắc mắc cho các bạn, nhất là những ai mới làm cha mẹ chưa lâu. Đây là một trong những nét văn hóa tâm linh gắn liền với tình yêu thương con trẻ, rất cần được giữ gìn và phát triển.