Cúng mụ là 7 ngày là một trong rất nhiều nghi lễ được người Việt xem trọng và gìn giữ cho đến tận ngày nay. Lễ cúng mụ thường được diễn ra nhiều lần trong một năm theo từng mốc thời gian nhất định như: đầy cữ, đầy tuần, đầy tháng, 3 tháng 10 ngày và lễ cúng đầy năm. Bài viết này sẽ giới thiệu đôi nét về lễ cúng mụ 7 ngày.
Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ cúng mụ 7 ngày
Cúng mụ 7 ngày còn có một tên gọi khác là cúng mụ đầy tuần. Đây là lễ cúng tiếp theo sau cúng đầy cữ kể từ thời điểm người mẹ hạ sinh em bé. Mục đích của lễ cúng này là để tạ ơn các bà Mụ, báo cáo gia tiên và cầu xin những điều tốt đẹp nhất đến với con trẻ.
Cúng mụ 7 ngày cũng được lý giải dựa trên những quan niệm dân gian truyền thống và sự tích về các bà Mụ. Theo đó, một em bé khi còn nằm trong bụng mẹ đến khi chào đời và tròn đầy 1 năm tuổi sẽ được sự che chở và nâng niu của 13 bà Mụ, còn gọi là “Mẹ sinh”. 13 bà Mụ và cũng là 13 vị Tiên Nương phụ trách vấn đề sinh đẻ. Tuy mỗi người đảm nhiệm những công việc khác nhau nhưng đều chịu trách nhiệm chung nếu có bất kì khiếm khuyết nào.
Lễ cúng mụ là dịp quan trọng để các bậc cha mẹ bày tỏ sự trân trọng, biết ơn đối với công lao của các bà Mụ trong việc săn sóc con em mình; là dịp để báo cáo ông bà tổ tiên vỀ sự xuất hiện của một thành viên mới trong gia đình và cũng là cơ hội để cầu khấn cho em bé được nhiều điều may mắn nhất, trước hết là một sức khỏe đủ đầy để tiếp tục chặng đường phát triển đầu tiên của cuộc đời. Nhưng qua đó, ta có thể cảm nhận được những nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa truyền thống tinh thần của nhân dân. Đó là tình cảm gia đình, sự kính trọng dành cho các bậc tổ tiên, sự trân quý dành cho những người lớn tuổi và sự yêu thương con nhỏ vô bờ bến. Truyền thống ấy đã ăn sâu vào trong tâm thức người Việt và cho đến ngày nay, nó vẫn còn mang những hơi thở rất riêng, rất đậm nét, không phải nơi đâu cũng có được.
Những lưu ý khi thực hiện lễ cúng mụ 7 ngày
Vì luôn coi trọng các nghi lễ truyền thống nên trước khi tiến hành, người Việt rất cẩn thận và chuẩn bị sao cho chu toàn nhất có thể, từ việc chọn lựa thời gian đến công tác chuẩn bị lễ vật, sắp xếp đồ cúng, chọn người cúng…
Chọn ngày và giờ cúng
Thông thường, sau khi người mẹ hạ sinh, gia đình sẽ tổ chức lễ cúng mụ cho em bé vào ngày thứ 7 (đối với con trai) và ngày thứ 9 (đối với con gái). Thời điểm thích hợp được chọn là vào buổi sáng hoặc buổi tối. Bởi theo quan niệm dân gian, buổi sáng là thời điểm vừa tỉnh dậy sau một đêm ngủ dài, con người đã nạp đủ năng lượng nên vô cùng tỉnh táo và tập trung. Đây là lúc con người dễ dàng đưa ra được các quyết định đúng đắn và sáng suốt nhất. Ngược lại, chiều tối, tuy không phải là thời gian lý tưởng để làm việc nhưng lại là thời điểm lý tưởng để con người nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả. Lúc này, tinh thần sẽ thư giãn hơn, thoải mái hơn, thong dong hơn và nhẹ nhàng hơn. Vì những lẽ đó mà buổi sáng và chiều tối là hai thời điểm thường được lựa chọn để thực hiện các nghi thức cúng lễ.
Mặc dù vậy, việc chọn thời điểm là buổi sáng hay chiều tối cũng không nên quá phân biệt bởi cuối cùng thì các gia đình vẫn phải lựa chọn giờ cúng để thực hiện nghi lễ cúng mụ 7 ngày. Giờ cúng bao giờ cũng là giờ tốt, giờ hoàng đạo, hợp với tuổi của em bé để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy đến trong tương lai. Để chắc chắn hơn xem đó có phải là giờ tốt hay không, các gia đình thường có sự tham khảo thêm từ những người lớn tuổi hoặc những người đã có kinh nghiệm trong việc cúng lễ.
Chuẩn bị lễ vật
Lễ vật là những thứ không thể thiếu trong bất kì nghi thức cúng lễ nào. Về cơ bản, so với cúng mụ đầy tháng hay đầy năm thì lễ vật cúng mụ 7 ngày không có quá nhiều sự khác biệt như: xôi, chè, lễ mặn, hương, hoa thơm, ngũ quả, vàng mã, đũa hoa,… Và cũng tùy theo từng truyền thống gia đình, phong tục địa phương mà mỗi nơi có sự thay đổi ít hoặc nhiều. Nhưng dù là cầu kì hay đơn giản thì yếu tố quan trọng nhất vẫn nằm ở sự thành tâm và tôn kính của người làm lễ đối với các bậc thần linh, tổ tiên và những người đã khuất.
Khấn cúng
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật, việc cần thiết tiếp theo là sắp xếp lễ vật vào mâm cúng sao cho hài hòa và hợp lý nhất. Người khấn cúng là người có uy tín thay mặt gia đình, dòng họ gửi đến tổ tiên, các vị thần linh tấm lòng thành kính và cầu xin mọi sự may mắn, thuận lợi cho con trẻ.
Sau lễ cúng, các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cơm gia đình, dành cho em bé và bà mẹ những lời chúc tốt đẹp nhất, cùng hy vọng về một sự khởi đầu mới, tương lai sáng lạn đối với em bé.
Dù là lễ cúng mụ đầy tháng, đầy năm hay lễ cúng mụ 7 ngày, ta đều có thể thấy được sự chuẩn bị cẩn trọng và chu đáo của từng thành viên trong gia đình đình trước một nghi thức cúng lễ quan trọng.