Gặp phải tình trạng trẻ lâu ngày không đi vệ sinh được chắc hẳn rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân cũng như giải đáp được thắc mắc trẻ sơ sinh không đi ngoài được phải làm sao đúng nhất. Ba mẹ bình tĩnh tham khảo để biết câu trả lời nhé!
1. Vì sao trẻ sơ sinh không đi ngoài được?
Thông thường với đối tượng là trẻ sơ sinh, việc đi ngoài xảy ra rất thường xuyên, đặc biệt là sau khi bú sữa. Trung bình một ngày bé có thể đi được 6 lần. Nhất là vài tuần đầu sau khi chào đời, hệ thống đường ruột của bé đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Sau đó một thời gian, khi ruột ổn hơn, hoạt động hiệu quả trong việc tiêu hóa cũng như hấp thụ dinh dưỡng từ sữa mẹ thì số lần bé đi vệ sinh sẽ ít lại, khoảng thời gian giữa các lần kéo dài hơn.
Chính vì vậy, nếu trẻ sơ sinh không đi ngoài được thì đây là dấu hiệu bất thường. Nếu bé từ 8 tuần tuổi trở lên không đi ngoài trong vòng 4-5 ngày thì có thể đang bị táo bón.
Trẻ sơ sinh bị táo bón thường là do trẻ bú sữa công thức hoàn toàn hoặc bú cả sữa mẹ và sữa công thức. Bởi vì sữa công thức có thể làm từ sữa bò, với hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ sơ sinh sẽ bị ảnh hưởng, dẫn tới khó tiêu, táo bón, không đi ngoài được. Thông thường trẻ bú sữa công thức sẽ đi ị 1-3 lần/ngày. Trẻ trong giai đoạn ăn dặm cũng dễ bị táo bón hơn.
Riêng với sữa mẹ thì trẻ rất ít bị táo bón. Bởi sữa mẹ được coi là thuốc nhuận tràng tự nhiên. Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn mà vẫn bị táo bón có thể do bú quá ít.
Ngoài nguyên nhân táo bón ra, thì trẻ sơ sinh không đi ngoài được cũng do một số bệnh lý khác như:
+ Tắc ruột: Trẻ sơ sinh từ 0-6 tháng có nguy cơ bị tắc ruột hoặc lồng ruột mà không đi ngoài được là một biểu hiện. Bên cạnh đó còn có những dấu hiệu như: quấy khóc do đau bụng, sờ bụng thấy căng cứng, không xì hơi được và nôn ói nhiều.
+ Hẹp hậu môn: Trẻ mắc phải bệnh lý này thường không đi ngoài được, chướng bụng kèm với nôn ói, không có lỗ hậu môn hoặc lỗ hậu môn ở vị trí bất thường, có mang che lỗ hậu môn.
+ Phình đại tràng bẩm sinh có thể gây tắc ruột ở trẻ.
2. Trẻ sơ sinh không đi ngoài được phải làm sao?
Khi trẻ sơ sinh không đi ngoài được thì mẹ cũng không cần quá lo lắng. Đầu tiên hãy xem xét các dấu hiệu kèm theo. Nếu không có gì bất thường thì hãy thực hiện một vài lưu ý sau đây để bé nhanh chóng đi ngoài được:
+ Tích cực cho bé bú mẹ thường xuyên, nếu bé bú sữa công thức thì có thể xem xét đổi sang loại sữa khác để bé hết táo bón.
+ Tập các bài tập thể dục, vận động để kích thích hoạt động của đường ruột, thoát khỏi tình trạng đầy hơi, giúp bé dễ đi ngoài hơn.
Bạn có thể thử bài tập xe đạp theo cách: đặt bé nằm ngửa trên giường, mẹ ngồi đối diện mặt bé, nắm lấy hai cổ chân bé và nhẹ nhàng di chuyển theo vòng tròn như đang đạp xe đạp. Hoặc mẹ cũng có thể tập động tác co duỗi gối bằng cách nắm lấy hai cổ chân của bé, đẩy nhẹ về phía bụng sao cho hai gối bé gập lại, giữ một lúc rồi lại duỗi nhẹ chân bé ra.
+ Ngoài tập thể dục, mẹ cũng nên tham khảo động tác massage bụng vừa tăng lưu thông tuần hoàn vừa giúp tăng nhu động ruột, từ đó trẻ sơ sinh đi ngoài được dễ dàng và thường xuyên hơn. Lưu ý nên đợi sau khi bé bú tầm 1 giờ mới massage. Trước khi tiến hành hãy cho lên tay 1 ít tinh dầu chuyên dụng để động tác trơn tru và nhẹ nhàng. Sử dụng cả bàn tay xoa bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ.
+ Hoặc mẹ có thể tắm hoặc ngâm hậu môn của trẻ sơ sinh trong nước ấm cũng giúp việc đi đại tiện diễn ra dễ dàng hơn.
+ Hầu hết trẻ sơ sinh đều đang trong tình trạng bú sữa mẹ ở những giai đoạn đầu đời. Do đó, tình trạng bệnh lý của con hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống của mẹ. Ví dụ như khi mẹ ăn uống thiếu dinh dưỡng, ít chất xơ hay ăn nhiều những loại thực phẩm khó tiêu, đồ cay nóng cùng chế độ ngủ nghỉ không hợp lý sẽ khiến quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng vào cơ thể bé bị ảnh hưởng, từ đó dẫn đến chứng táo bón.
Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh bị táo bón, mẹ nên lưu ý và điều chỉnh chế độ ăn uống của mình bằng cách tăng cường các loại củ quả tươi, rau xanh để bổ sung chất xơ. Đây đều là những thực phẩm có lợi cho sức khỏe của cả mẹ và bé bởi chúng chứa nhiều vitamin có khoáng chất cần thiết. Ngoài ra, mẹ có thể thường xuyên ăn sữa chua để giúp lợi khuẩn tốt hơn.
Trường hợp ba mẹ quan sát và thấy trẻ sơ sinh không đi ngoài được trong vòng ba ngày đi cùng với đó là các biểu hiện như đau bụng, bé rặn ị đỏ mặt tía tai, phân của bé cứng vo tròn có lẫn cùng với máu, thường hay khó chịu, quấy khóc thì mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ, để được xử lý kịp thời.