Lễ cúng Mụ ở Huế là một nét đặc trưng văn hóa, phong tục, tín ngưỡng riêng ở Huế cũng vài điểm khác so với các vùng miền trên đất nước. Lễ cúng này cũng là một nét đẹp truyền thống từ xa xưa của đồng bào dân tộc chúng ta, việc cúng đầy tháng mang nhiều ý nghĩa vì vậy không thể bỏ qua.
Theo tín ngưỡng dân gian, khi gia đình có sinh em bé tròn một tháng tuổi thì sẽ tiến hành tổ chức cúng Mụ để tạ ơn 12 bà mụ đã chăm sóc bé khi còn ở trong bụng mẹ. Ông bà ta xưa quan niệm rằng đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên (Bà Chúa Đầu thai) hay còn gọi là 12 Bà Mụ nặn ra. Trong 12 bà Mụ, mỗi bà sẽ có những nhiệm vụ, đảm trách riêng cho từng phần công việc khác nhau. Như có Mụ sẽ nặn cho đứa trẻ về mắt, mũi, tay, chân, tóc, tai, mũi, miệng… Việc làm này để thể hiện sự tôn kính, quý trọng những hành động thiêng liêng của các bà Mụ dành cho đứa con mới chào đời của ông bố bà mẹ.
Tuy là phong tục, tập quán của mỗi vùng miền khác nhau nhưng ở Huế (thuộc miền Trung) vẫn có nét hơi giống về nghi thức, những lời khấn …vì nó được tổ chức theo một công thức nhất định ở một số vùng miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Khi tổ chức lễ cúng Mụ, ngoài những tính chất tương tự nhau, thì lễ vật ở Huế có khác nhau chút ít, quan điểm cũng có phần khác nhau.
- Lễ vật của lễ cúng Mụ ở Huế
Lễ cúng Mụ (đầy tháng) cho bé ở ngoài trời gồm hai mâm thượng và hạ. Bàn thượng cao hơn bàn hạ cỡ 10-20 phân. Gồm có dĩa xôi, tô chè, trái cây, bình hoa và 3 bộ áo giấy cho 3 bà Mụ đỡ đầu. Bàn hạ có con gà trống hoặc một miếng thịt heo, mâm cơm gồm canh, cá, đồ xào và không thể thiếu là 12 bộ áo quần bằng giấy cho 12 bà Mụ. Ngoài ra còn có 3 con cua, 3 quả trứng luộc, trầu cau để bổ sung thêm trên bàn cúng.
- Cách trình bày, sắp xếp của lễ cúng Mụ ở Huế
Ở bên giường nơi em bé nằm, người ta đặt một mâm cúng nhỏ gồm 3 chén chè, 1 dĩa xôi và không thể thiếu là nải chuối. Và để mong cho em bé sau này đi thuyền, đi xe không bị say, người Huế múc một chậu nước dưới sông, hồ hoặc biển đưa lên, bỏ cạnh giường em bé và nướng một cái đinh to rồi thả vào chậu nước cho nó kêu cái “xèo”. Phong tục cúng Mụ với những lễ vật này được người xưa truyền lại cho con cháu qua bao đời nay.
Theo truyền thống, ngày cúng đầy tháng cho bé được tính theo âm lịch và phụ thuộc vào giới tính “gái sụt 2, trai sụt 1”. Cũng như đối với bé gái, ngày cúng ta lùi lại 2 ngày so với ngày sinh (âm lịch), với bé trai chỉ lùi lại một ngày.
- Nghi thức của lễ cúng Mụ ở Huế
Bài khấn của bà có câu: “Lạy 3 bà 12 Mụ, mong cho cháu ăn ầm ầm, ngủ ì ì, sức dài vai rộng, ăn chơi mạnh khỏe”. Để cầu chúc mọi điều tốt lành đến với đứa trẻ, người chủ lễ sẽ tiếp tục phong tục “xin keo”. Người Huế sẽ lấy 2 đồng tiền cổ làm bằng bạc thật và gieo vào một chiếc đĩa sâu lòng. Người nhà phải chọn vài cái tên, tên không được trùng với những người trong gia tộc đã khuất.
Khi mặt kia úp, mặt kia ngửa sẽ nói lên cái tên đã được tổ tiên chứng giám và ưng thuận. Và nếu cả 2 mặt úp hoặc cả 2 mặt ngửa thì phải tiến gieo lại đồng tiền này.
Trong khi 3 lần mà vẫn chưa được thì phải đặt tên khác, rồi “chốt” tên em bé cuối cùng là gì. Ngày nay, khi sinh trẻ ra mọi người thường đặt tên con ngay để làm các thủ tục khai sinh nên phong tục xin keo này cũng không còn tồn tại. Tuy nhiên, một số gia đình vẫn còn giữ tục này như một truyền thống bao đời.
Sau khi “xin keo” xong, người mẹ cũng phải được làm phép để tẩy uế và kết thúc thời gian ở cữ. Rằng người mẹ phải bồng con bước qua nồi nước sôi có đặt đinh nung đỏ nhiều lần (trai 7 lần, gái 9 lần) và sau đó đi quanh nhà. Người mẹ lại sẽ cố tình làm rơi tiền để cầu mong cuộc sống của con sau này dư dả, đủ đầy.
Qua bài viết lễ cúng Mụ ở Huế mong rằng sẽ giúp mỗi ông bố bà mẹ chúng ta hiểu rõ hơn về nghi thức cúng đầy tháng cho con mình để gặp nhiều điều may mắn trong tương lai. Đây là một nghi lễ rất quan trọng, vì vậy cần làm theo đúng phong tục nhé!