Lễ Cúng Đầy Tháng Bé Gái Trọn Gói, Giá Phải Chăng
Lễ cúng đầy tháng bé gái từ lâu đã rất được xem trọng và gìn giữ, là nghi thức sinh hoạt truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt. Để có thể hiểu thêm về ý nghĩa của lễ cúng này cũng như những khâu cần chuẩn bị cho việc thực hiện lễ cúng, hãy tham khảo bài viết dưới đây!
Ý nghĩa của lễ cúng đầy tháng bé gái
“Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”, “sinh con, đẻ cái” – xưa nay, đó là những chuyện hệ trọng của cả một đời người. Và đến thời điểm hiện tại, quan niệm đó vẫn tiếp tục được gìn giữ, duy trì, chỉ khác biệt đôi chỗ về mặt hình thức cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Không riêng gì những quan niệm trên, người Việt còn rất cẩn trọng với các lễ tiết, phong tục và nghi thức sinh hoạt truyền thống, trong đó có việc chuẩn bị và tổ chức lễ cúng đầy tháng bé gái.
Lễ cúng đầy tháng hay còn được gọi với tên gọi khác là lễ cúng Mụ. Chữ Mụ ở đây chỉ 13 bà Mụ, tức 13 vị Tiên Nương có công trong việc chăm sóc và bảo vệ các em nhỏ từ khi mới chỉ là bào thai trong bụng mẹ đến khi các em chào đời và tròn 1 năm tuổi. Lễ cúng đầy tháng bé gái, bé trai chỉ là một trong số nghi lễ cúng Mụ được diễn ra trong thời điểm một năm, ngoài ra còn có lễ cúng đầy tuần, cúng 3 tháng 10 ngày, cúng đầy năm,…
Để ghi nhớ và trân trọng, tạ ơn công lao to lớn của các vị Tiên Nương, ông cha ta từ xa xưa đã biết chuẩn bị lễ vật bày tỏ tấm lòng thành kính. Nhưng cũng qua lễ cúng này, chúng ta hiểu thêm được một phần phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt của người Việt trong đời sống tinh thần khá đa dạng và phong phú. Cúng đầy tháng còn là dịp đoàn tụ gia đình, dòng họ, những người có cùng huyết thống để hướng về tổ tiên, nguồn cội. Thông qua lễ cúng, điều mà chúng ta mong muốn suy cho cùng là niềm hy vọng về một tương lai sáng lạn, hạnh phúc và một sức khỏe đủ đầy, mạnh giỏi dành cho con trẻ. Bởi chúng là những mầm sống mới của gia đình và xã hội.
Lễ cúng đầy tháng bé gái nên chuẩn bị những gì?
Lễ cúng đầy tháng bé gái dù không quá cầu kỳ và riêng biệt như bé trai, nhưng không vì thế mà việc chuẩn bị hời hợt, sơ sài. Tất cả các bước, các khâu đều rất quan trọng và tỉ mỉ bởi không ai muốn những điều không may sẽ xảy đến với con, cháu mình. Chuẩn bị lễ cúng không chỉ là việc chuẩn bị lễ vật cúng, mà chọn lựa thời gian sao cho phù hợp cũng là một việc tối hệ trọng.
Chọn thời gian cúng
Để tổ chức được lễ cũng đầy tháng bé gái, chọn ngày, giờ, thời điểm cúng được các bậc cha mẹ lựa chọn kỹ càng. Không chỉ là tham khảo những người đi trước, những người có kinh nghiệm trong việc sắp xếp và tổ chức các nghi lễ truyền thống mà bản thân những người thực hiện cũng tìm hiểu và trang bị cho mình một vài kiến thức cơ bản.
Về thời điểm cúng, thường thì người ta sẽ tổ chức lễ vào buổi sáng hoặc lúc chiều tối. Đây là hai điểm nút thời gian trong ngày, cũng là khoảng thời gian thuận lợi đối với con người. Nếu như buổi sáng là lúc vạn vật thức giấc, cũng là lúc con người đủ tỉnh táo, năng lượng và sự tinh tấn cho một ngày làm việc mới thì chiều tối là thời điểm chúng ta thảnh thơi, an nhàn tận hưởng những phút nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Theo quan niệm truyển thống “gái lùi hai, trai lùi một”, do vậy khi lựa chọn ngày cúng, lễ cúng đầy tháng bé gái thường lùi lại hai ngày so với ngày em bé ra đời ở tháng trước. Ví dụ, em bé sinh ngày 28 tháng 7 thì ngày 30 tháng 8 là ngày cúng lễ. Tuy nhiên đây cũng chỉ là sự lựa chọn tương đối vì còn phụ thuộc vào giờ cúng. Giờ cúng nên là giờ tốt (giờ hoàng đạo), hợp với tuổi sinh của em bé. Chọn ngày giờ đẹp cũng là cách để thể hiện mong muốn về mọi sự bình an, may mắn, cha mẹ sẵn sàng làm mọi chuyện để có thể cho con trẻ những gì hạnh phúc và tốt đẹp nhất.
Chuẩn bị lễ vật và mâm cúng
Vật phẩm để chuẩn bị cho lễ cúng đầy tháng bé gái mỗi nơi một khác, phụ thuộc vào truyền thống và thói quen sinh hoạt ở từng địa phương, gia đình. Nhưng những vật phẩm được kể đến dưới đây là những vật phẩm quan trọng và không thể thiếu:
- Xôi chè, cháo trắng không đường.
- Gà/ thịt heo quay/ vịt luộc: có thể chọn 1 trong 3 hoặc chuẩn bị cả ba.
- Rượu trắng, muối trắng, gạo và một ít bánh kẹo.
- Ngũ quả, bình hoa tươi.
- Nhang đốt, đèn cầy (hoặc nến), giấy tiền, vàng mã, hình nhân.
- Bát ăn cơm, đũa hoa,…
Lễ vật sau khi chuẩn bị sẽ được sắp xếp và bày biện ra mâm sao cho hợp lý và hài hòa. Lễ cúng đầy tháng bé gái sau đó được thực hiện bởi một người đại diện gia đình hoặc dòng họ. Các thành viên sẽ quây quần lại bên nhau trong mâm cơm đoàn tụ để thăm hỏi và động viên nhau, đặc biệt là dành những lời chúc may mắn đến em bé. Trong lễ cúng này, còn có thêm nghi thức đặt tên cho trẻ. Em bé sẽ được gọi theo tên mà cha mẹ chuẩn bị trước, miễn là tên đó không nên trùng với tên của những người đã khuất. Tuy nhiên ngày nay, quan niệm này đã thay đổi, tên gọi được đặt theo sở thích và nguyện vọng của các thành viên trong gia đình.
Lễ cúng đầy tháng bé gái là một tập tục khá điển hình trong số các nghi thức lễ tiết mà người Việt hiện còn đang duy trì. Lễ cúng này không chỉ đóng góp thêm vào sự đa dạng văn hóa mà còn thể hiện lối sống truyền thống của người Việt, đó là uống nước nhớ nguồn, đó là sự hy sinh vì con trẻ, đó là lòng biết ơn và niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng.