Cúng Mụ đầy tháng có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi người dân Việt Nam. Mỗi một đứa trẻ sinh ra, sau khi trải qua giai đoạn đầu tiên đầy khó khăn và được một tháng tuổi, thì sự chăm sóc của gia đình và công lao của các vị thần linh, các bà mụ và đức ông đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc chuẩn bị và thực hiện lễ cúng này như thế nào là điều làm khó các bậc phụ huynh lần đầu được làm cha làm mẹ. Bên cạnh sự truyền dạy kinh nghiệm từ người lớn trong gia đình thì cha mẹ cũng nên tự tìm hiểu để nắm rõ hơn về nghi thức này nhé.
Tầm quan trọng của cúng Mụ đầy tháng là gì?
Theo dân gian kể lại rằng, các bà Mụ là những người được Ngọc Hoàng giao trách nhiệm nắn lại hình hài cho con người mỗi khi họ đầu thai. Do đó, giới tính hay các bộ phận trên cơ thể mỗi người có đầy đủ và hài hòa không là do các bà Mụ trông coi và nặn ra. Lễ cúng Mụ đầy tháng chính là dịp gia đình thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến các Bà Mụ vì đã mang bé đến với gia đình cũng như đã che chở cho bé được bình an và lành lặn chào đời. Gia đình cũng qua đó mà thông báo về sự xuất hiện của bé đến họ hàng, làng xóm và bạn bè gần xa. Mong mọi người giúp gia đình nuôi dạy và bao bọc cho bé trong quá trình trưởng thành. Mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như vậy nên lễ cúng đầy tháng được xem như một nét đẹp của văn hóa tâm linh và được lưu giữ từ đời này sang đời khác.
Cúng Mụ đầy tháng được thực hiện vào ngày nào?
Cúng Mụ đầy tháng được tổ chức theo lịch âm, lịch truyền thống của người Việt và có thay đổi theo nguyên tắc, gái lùi 2, trai lùi 1. Nghĩa là, ngày cúng đầy tháng của bé gái sẽ được tổ chức sớm hơn 2 ngày, ngày cúng đầy tháng của bé trai sẽ được tổ chức sớm hơn 1 ngày so với ngày sinh âm lịch của bé. Lễ cúng thường được cúng vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối.
+ Mâm cúng Mụ đầy tháng phải chuẩn bị:
- Hàng mã: 12 đôi hài xanh bằng nhau và một đôi to hơn, 12 bộ váy xanh giống nhau và một bộ to hơn, 12 nén vàng xanh và một nén to hơn, giấy tiền vàng bạc, 1 bộ nam hoặc nữ đồ có ghi ngày tháng năm sinh của bé
- Trầu cau: 12 miếng trầu têm cánh phượng và 1 lá chưa têm. 12 miếng cau chẻ tư và 1 trái cau nguyên.
- Tam sên: 12 bộ (cua, ốc và tôm bằng nhau) và 1 bộ to hơn để dâng lên 12 vị Tiên Nương và dâng cúng bà Chúa đầu thai. (Các con này có thể chín hoặc sống để vào bát to, nếu sống thì sau khi cúng xong thì đem đi phóng sanh. ).
- Bánh kẹo: chia thành 12 bằng bằng nhau và 1 phần lớn hơn.
- Chè xôi: 12 chén, đĩa bằng nhau và 1 tô, đĩa lớn hơn. Chè cúng cho bé trai là chè đậu, cúng cho bé gái là chè trôi nước. Xôi thường được chọn cúng là xôi Gấc, xôi vò hay xôi đậu xanh.
- Bình hoa tươi, trầu cau, đũa muỗng, gạo muối, nhang đèn,…
+ Mâm cúng Đức thầy và đức ông gồm có
- Xôi chè: mỗi loại 3 tô
- Lễ mặn: gà hoặc vịt, cháo, rau sống, lòng lợn,…
- Lọ cắm nhang, bình hoa rực rỡ, tiền vàng, nước lọc, trầu cau, hoa quả, rượu trà.
Mâm cúng đã chuẩn bị xong cần được sắp xếp hài hòa và đúng theo nguyên tắc bình hoa ở hướng Đông, hoa quả ở hướng Tây. Mâm cúng Mụ bày nhiều đồ lễ hơn nên được đặt trong mâm lớn và ở dưới, mâm cúng đức ông, đức thầy được đặt trong mâm nhỏ và bày ở trên. 2 mâm cúng này được đặt cách nhau 10 phân.
Sau khi chuẩn bị xong thì tiến hành làm lễ, hết 3 tuần hương thì hóa vàng mã, thả vật sống và mọi người cùng nhau thụ lộc. Sau đó, bé sẽ được mọi người tặng quà hoặc lì xì và dùng những lờ may mắn để chúc cho tương lai của bé. Cúng Mụ đầy tháng là một trong bốn cột mốc lớn trong cuộc đời của mỗi người. Mong rằng cha mẹ dành ra nhiều thời gian và tâm huyết để chuẩn bị cho bé. Bởi lễ cúng đầy tháng đầy đủ thì tương lai sau này của bé càng rộng mở và may mắn hơn.
Cúng Mụ đầy tháng là điểm độc đáo trong tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt xưa còn được lưu truyền và giữ gìn đến tận hiện nay. Hi vọng sau khi tham khảo xong các thông tin trên đây, gia đình bạn đã có thể chuẩn bị một lễ cúng đầy tháng thật hạnh phúc và hoàn hảo cho bé nhé.