Lễ cúng mụ đầy tháng chắc hẳn là dịp không thể bỏ qua với mỗi một sinh linh bé bỏng khi chào đời vì đây là phong tục truyền thống của ông cha từ xưa đến nay. Nghi lễ này không còn xa lạ gì với những bậc cha mẹ của Việt Nam nữa và nó còn được coi như là một nghi lễ trọng đại trong đời của đứa trẻ. hãy cùng tìm hiểu các thông tin xem bạn đã hiểu hết về nghi lễ chưa nhé!
Tại sao phải làm lễ cúng mụ đầy tháng cho trẻ?
Mỗi một đứa trẻ khi sinh ra đều ở trong nhà cùng với mẹ trong khoảng một tháng đầu mà không được ra ngoài. Thời gian này, bé cũng rất yếu cần được ở bên mẹ nhiều hơn và khi được một tháng tuổi thì bố mẹ, ông bà của bé sẽ tổ chức cho bé lễ cúng mụ đầy tháng nhằm cảm ơn Bà Mụ và Đức ông. Vì theo quan niệm của dân gian thì 12 Bà Mụ là người đã nhào nặn ra đứa trẻ, dù xinh đẹp hay xấu tốt thì đó cũng là đứa trẻ hoàn chỉnh. Còn Đức ông là người đã mang đứa trẻ đến nhà một cách khỏe mạnh, cho mẹ tròn con vuông. Đồng thời đây cũng là dịp để bố mẹ tổ chức lễ ăn mừng, ra mắt thành viên mới trong gia đình với họ hàng nội ngoại, anh em, người thân. Với những ý nghĩa thiêng liêng trên, việc làm lễ cúng đầy tháng cho bé được duy trì qua các thế hệ và trở thành một nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa người Việt.
Chọn ngày cúng đầy tháng như thế nào cho đúng?
Chắc chắn đây là thắc mắc của hầu hết các bậc phụ huynh. Ngày nay các bậc cha mẹ trẻ luôn băn khoăn không biết làm lễ cho con mình vào ngày âm hay dương, hay thực hiện vào đúng ngày nào. Từ xưa đến nay, thì nước ta thường tổ chức các ngày lễ trọng đại vào ngày âm vì nước ta là nước nông nghiệp truyền thống, dựa vào quy luật mọc lặn của mặt trăng mà tính ngày. Nên theo đúng phong tục thì các bậc cha mẹ nên chọn ngày âm. Tuy nhiên ngày nay, để dễ nhớ thì nhiều bậc phụ huynh lại lựa chọn ngày dương để dễ nhớ và thuận tiện.
Còn một lưu ý nữa trong việc chọn ngày để chuẩn bị đồ lễ cúng mụ đầy tháng là phải chú ý tới nguyên tắc:” gái sụt 2, trai sụt 1″. Nguyên tắc này có nghĩa với các bé trai khi làm lễ phải làm lễ trước 1 ngày còn với bé gái thì làm lễ trước 2 ngày. Đây là nghi lễ rất quan trọng nên bố mẹ phải nhớ thật kỹ để cúng đúng ngày tránh làm ảnh hưởng tới bé.
Cúng đầy tháng cho bé gồm những nghi lễ gì?
Trong mỗi một buổi lễ thì các nghi lễ được tiến hành theo đúng trình tự là rất quan trọng. Trong lễ cúng mụ đầy tháng cho bé cũng vậy, có rất nhiều những nghi thức như: thắp nhang, khai hoa, đặt tên. Các bậc cha mẹ cần lưu ý và làm đúng theo trình tự.Đầu tiên chắc phải kể đến nghi thức thắp nhang. Đại diện cho toàn bộ gia đình như ông, bà hoặc bố, mẹ sẽ đại diện lên thắp nhang và khấn. Sau 3 tuần nhang rượu thì sẽ mang đồ mã đi hóa, chỉ có đồ chơi của bé là giữ lại. Tiếp đến là nghi lễ khai hoa, đứa trẻ sẽ được đặt ở giữa bàn, người lớn sẽ thắp nhang và xin nghi lễ được bắt đầu. Người chủ lễ sẽ bế đứa trẻ trên tay là lấy một cành hoa quơ quơ trước miệng bé đồng thời đọc những lời chúc tốt đẹp để mong đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh và sống thật hạnh phúc.
Sau khi đọc những lời chúc tới đứa trẻ thì chủ lễ sẽ làm nghi thức xin Keo hay còn gọi là xin tên cho bé. Trước đó gia đình, cha mẹ phải chuẩn bị cho con mình những cái tên. Theo đó, người chủ lễ sẽ lấy 2 đồng tiền bạc cổ gieo vào đĩa. Nếu trong 2 đồng có một mặt ngửa và một mặt úp thì chứng tỏ cái tên đã được tổ tiên đồng ý và được chọn. Còn nếu cả 2 mặt úp hoặc cả 2 mặt đều ngửa thì cái tên này không được chọn và phải gieo lại. Nếu cả 3 lần đều không được thì phải chọn tên khác. Cứ tiếp tục gieo như vậy đến bao giờ được thì thôi. Ngoài ra tùy từng vùng miền người ta còn làm lễ tẩy uế. Lúc này người mẹ sẽ bế con qua nồi nước sôi có đặt đinh nung đỏ và đi xung quanh nhà. trong lúc đi thì người mẹ sẽ cố tình làm rơi tiền, với hy vọng con lớn lên sẽ được dư giả, đầy đủ.
Trên đây là những kiến thức quan trọng để giúp cha mẹ có thể chuẩn bị cho con một lễ cúng mụ đầy tháng cho con. Hãy ghi nhớ thật kỹ và cùng nhau tổ chức cho con một lễ cúng hoàn hảo nhất để con có thể sống khỏe mạnh và hạnh phúc.